Bối cảnh Kristallnacht

Sự khủng bố ban đầu của Quốc xã

Trong thập niên 1920, hầu như tất cả người Do Thái Đức đều hòa nhập hoàn toàn vào trong xã hội Đức với tư cách công dân Đức. Họ phục vụ trong quân đội và có đóng góp trong mọi lĩnh vực kinh tế, khoa học, và văn hóa.[9] Tình cảnh người Do Thái bắt đầu thay đổi kể từ khi Adolf Hitler (thủ lĩnh của đảng Quốc xã) được bổ nhiệm làm Thủ tướng Đức vào ngày 30 tháng 1 năm 1933, và tiếp đó là Đạo luật Trao quyền (Ermächtigungsgesetz) thông qua sau vụ hỏa hoạn ở tòa Nghị viện (Reichstag) cho phép Hitler soạn thảo và ban hành luật mới mà không cần sự ưng thuận của tổng thống hay nghị viện.[10][11] Chế độ của Hitler từ khi mới bắt đầu đã nhanh chóng đi đến giới thiệu những chính sách bài Do Thái. Bộ máy tuyên truyền của Đức Quốc xã chỉ định ra 500.000 người Do Thái tại Đức, thành phần chỉ chiếm 0,86% tổng số dân, là một trong số những kẻ thù là nguyên nhân gây nên thất bại của Đức trong Thế chiến thứ nhất và những cuộc khủng hoảng kinh tế theo sau, như siêu lạm phát trong thập niên 1920 và cuộc Đại Suy thoái.[12] Kể từ năm 1933, chính quyền bắt đầu cho ban hành một loạt các đạo luật bài Do Thái theo đó hạn chế quyền hạn của người Do Thái Đức. Họ sẽ không còn được hưởng nền giáo dục hay tư cách công dân đầy đủ và bị hạn chế về nghề nghiệp, lĩnh vực lao động. Một trong số đó là Luật ngành dân chính (tên đầy đủ: Gesetz zur Wiederherstellung des Berufsbeamtentums) cấm người Do Thái làm việc trong các cơ quan chính phủ (không kể quân đội).[13] Tiếp đến là Luật Nuremberg thông qua năm 1935 tước bỏ quyền công dân của người Do Thái và cấm họ không được kết hôn với người Đức không phải Do Thái.

Những đạo luật trên dẫn tới việc người Do Thái bị đào thải ra khỏi lĩnh vực chính trị và đời sống xã hội.[14] Nhiều người tìm đường ra nước ngoài; hàng trăm ngàn người đã di cư, nhưng như Chaim Weizmann viết năm 1936: "Thế giới dường như đã bị phân chia làm hai phần, một là những nơi mà người Do Thái không thể sống và hai là những nơi mà họ không thể đặt chân vào."[15] Vào ngày 6 tháng 7 năm 1938 Hội nghị quốc tế Évian được tổ chức để bàn về vấn đề di cư của người Do Thái và người Di-gan đến các quốc gia khác. Đến thời điểm hội nghị diễn ra, đã có hơn 250.000 người Do Thái tháo chạy khỏi Đức và Áo, quốc gia bị Đức sáp nhập vào tháng 3 năm 1938; hơn 300.000 người Do Thái Đức và Áo vẫn đang kiếm tìm nơi ẩn nấp và tị nạn. Khi mà số lượng người Do Thái và Di-gan muốn rời đi ngày càng tăng, những hạn chế đối với họ cũng tăng lên, với việc hàng loạt quốc gia thắt chặt quy định tiếp nhận các đối tượng này. Vào năm 1938, nước Đức "bước vào một thời kỳ cực đoan mới trong hoạt động bài Do Thái."[16] Một số nhà sử học tin rằng chính quyền Quốc xã đã suy tính đến một kế hoạch bạo lực bùng phát nhằm vào người Do Thái và họ chờ đợi một thời cơ, một cái cớ phù hợp.[17] Trong cuộc phỏng vấn năm 1997, nhà sử học người Đức Hans Mommsen cho rằng động lực lớn của cuộc bạo động là lòng thèm khát chiếm đoạt tài sản và doanh nghiệp của người Do Thái từ các Gauleiters của đảng Quốc xã.[18] Dưới đây là một trích đoạn của cuộc phỏng vấn:

"Nhu cầu tiền bạc phát sinh từ thực tế rằng Franz Xaver Schwarz, thủ quỹ của đảng, luôn để các tổ chức đảng cấp địa phương và khu vực trong tình trạng thiếu tiền. Vào mùa thu năm 1938, áp lực gia tăng lên số tài sản của người Do Thái đã nuôi dưỡng tham vọng của đảng, đặc biệt kể từ khi Hjalmar Schacht bị hất cẳng khỏi vị trí Bộ trưởng Kinh tế. Tuy nhiên, đây chỉ là một khía cạnh về nguồn gốc của cuộc bạo động tháng 11 năm 1938. Chính phủ Ba Lan đe dọa dẫn độ tất cả người Do Thái là công dân Ba Lan, nhưng sẽ dừng lại ở Đức, điều này tạo ra gánh nặng cho phía Đức. Phản ứng ngay lập tức của Gestapo là dồn người Do Thái Ba Lan, số lượng khoảng 16.000, qua biên giới, nhưng cách làm này thất bại do sự cương quyết của cán bộ hải quan Ba Lan. Mất uy tín là hậu quả của chiến dịch sớm thất bại đòi hỏi một cái gì đó bồi thường. Như vậy, phản ứng thái quá trước nỗ lực của Herschel Grynszpan nhằm vào nhà ngoại giao Ernst vom Rath xuất hiện và dẫn tới cuộc bạo động tháng 11. Sự phân chia lợi ích sâu sắc giữa các cơ quan của đảng và nhà nước báo hiệu mầm mống của cuộc bạo động. Trong khi đảng Quốc xã quan tâm đến việc củng cố sức mạnh tài chính của mình ở cấp khu vực và địa phương bằng cách chiếm đoạt tài sản của người Do Thái, Hermann Göring, người đảm trách Kế hoạch bốn năm, kỳ vọng tiếp cận nguồn ngoại tệ để thanh toán khẩn cấp số nguyên liệu khô nhập khẩu cần thiết. Heydrich và Himmler quan tâm đến việc thúc đẩy người Do Thái di cư".[18]

Tháng 2 năm 1938, thủ lĩnh của phong trào phục quốc Do Thái tại Ủy trị Palestine viết rằng theo như "một nguồn cá nhân rất đáng tin cậy", có "một dự định tiến hành một cuộc bạo động thực sự và mạnh mẽ trên quy mô lớn tại Đức trong tương lai gần."[19]

Hoạt động trục xuất người Do Thái Ba Lan tại Đức

Người Do Thái Ba Lan bị trục xuất khỏi Đức trong cuối tháng 10 năm 1938

Vào tháng 8 năm 1938 giới chức trách Đức thông báo giấy phép cư trú của những người nước ngoài, trong đó bao gồm cả người Do Thái gốc nước ngoài sinh ra tại Đức, đã bị hủy bỏ và sẽ phải làm lại. Ba Lan tuyên bố họ sẽ không tiếp nhận người Do Thái gốc Ba Lan kể từ sau tháng 10. Trong cái hoạt động gọi là "Polenaktion", hơn 12.000 người Do Thái sinh tại Ba Lan, trong đó có nhà triết học và thần học-thầy đạo Abraham Joshua Heschel và nhà phê bình văn học tương lai Marcel Reich-Ranicki, đã bị trục xuất khỏi Đức trong ngày 28 tháng 10 năm 1938 theo lệnh của Hitler. Họ được lệnh phải rời khỏi nhà trong một đêm duy nhất, và mỗi người chỉ được mang theo một va-li chứa đồ dùng cá nhân. Sau khi người Do Thái đi khỏi, chính quyền và hàng xóm đã chiếm đoạt số tài sản còn lại của họ.

Những người bị trục xuất phải từ nhà đi tới ga xe lửa rồi lên các chuyến tàu khởi hành đến biên giới Ba Lan. Tại đó, lính biên phòng Ba Lan đã đuổi họ qua sông quay trở lại Đức. Tình cảnh bế tắc này vẫn tiếp tục trong những ngày mưa như trút, với những người Do Thái tuần hành giữa biên giới mà không có thực phẩm hay nơi nương tựa. 4.000 người đã được phép nhập cảnh vào Ba Lan, nhưng vẫn còn 8.000 người buộc phải ở lại nơi biên giới. Họ chờ đợi ở đó, trong những điều kiện khắc nghiệt với hy vọng được bước chân vào lãnh thổ Ba Lan. Một tờ báo Anh nói với độc giả của mình rằng: "hàng trăm người được ghi nhận đang nằm la liệt, không một xu dính túi và bị bỏ rơi, trong những ngôi làng nhỏ dọc theo biên giới gần với nơi mà họ bị Gestapo đuổi đến và bỏ lại."[20] Điều kiện trong các trại tị nạn là "rất tồi tệ, một số người thậm chí cố gắng đào thoát trở lại Đức và bị bắn", theo lời kể của một phụ nữ Anh được gửi đến để giúp đỡ những người bị trục xuất.[21]

Vụ ám sát vom Rath

Herschel Grynszpan, 7 tháng 11 năm 1938Ernst vom Rath

Trong số những người bị trục xuất có gia đình Sendel và Riva Grynszpan, những người Do Thái Ba Lan từng di cư đến Đức năm 1911 và định cư ở Hanover. Tại phiên tòa xử Adolf Eichmann năm 1961, Sendel Grynszpan đã thuật lại hành trình bị trục xuất của họ từ Hanover trong đêm ngày 27 tháng 10 năm 1938: "Khi đó bọn họ đưa chúng tôi lên xe tải của cảnh sát, xe cho người tù, khoảng 20 người mỗi xe, và rồi họ đưa chúng tôi đến nhà ga. Trên đường phố là đầy người la hét: 'Juden raus! Auf nach Palästina!'" ("Người Do Thái cút đi, cút đến Palestine!").[22] Vào thời điểm đó Herschel Grynszpan, đứa con trai 17 tuổi của họ, đang sống tại Paris với một người họ hàng.[8] Grynszpan đã nhận được một tấm bưu thiếp từ cha mẹ cậu ở biên giới Ba Lan, trong đó mô tả tình cảnh của họ: "Không ai nói với chúng ta về điều gì đã xảy ra, nhưng chúng ta nhận ra rằng chuyện này rồi sẽ đi đến hồi kết... Cha mẹ không có một xu. Con có thể gửi cho chúng ta một thứ gì đó không?"[23] Grynszpan nhận bưu thiếp vào ngày 3 tháng 11 năm 1938.

Vào sáng ngày thứ hai, 7 tháng 11 năm 1938, Grynszpan mua một súng lục ổ xoay và một hộp đạn, rồi đi đến đại sứ quán Đức và đòi gặp một công chức của tòa đại sứ. Sau đó Grynszpan được dẫn tới văn phòng của Ernst vom Rath và bắn năm viên đạn vào người nhân vật này, hai trong số đó trúng ổ bụng. Vom Rath là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, ông biểu lộ thái độ không đồng tình với Quốc xã, đa phần là vì cách đối xử của họ với người Do Thái và việc ông bị Gestapo điều tra vì trở nên không đáng tin về mặt chính trị.[24] Grynszpan không chạy trốn trước cảnh sát Pháp và thú nhận thẳng thừng mình là thủ phạm gây ra vụ việc. Chàng trai trẻ mang theo một tấm bưu thiếp gửi cha mẹ để trong túi quần với lời nhắn, "Xin Chúa tha thứ cho con... Con phải đứng lên để cả thế giới thấy được sự phản kháng của mình, và con sẽ làm điều đó."

Ngày hôm sau, chính quyền Đức tiến hành trả đũa bằng việc cấm trẻ em Do Thái đến các trường tiểu học, đình chỉ vô thời hạn các hoạt động văn hóa, và tạm ngừng xuất bản báo và tạp chí của người Do Thái. Một tờ báo của Anh mô tả bước đi cuối cùng cắt đứt mối liên hệ giữa quần chúng Do Thái và giới lãnh đạo của họ là "có ý định đập tan cộng đồng Do Thái và cướp đi sợi dây mỏng manh cuối cùng gắn kết họ với nhau."[12] Quyền công dân của người Do Thái đã bị tước đoạt.[25]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Kristallnacht http://trove.nla.gov.au/ndp/del/article/12062109 http://www.elclarin.cl/fpa/pdf/p_020605.pdf http://www.aish.com/holocaust/overview/Kristallnac... http://edition.cnn.com/WORLD/europe/9811/09/german... http://www.germannotes.com/hist_ww2_kristallnacht.... http://www.haaretz.com/hasen/spages/1032989.html http://www.historyplace.com/worldwar2/timeline/ena... http://www.israelnationalnews.com/News/news.aspx/1... http://www.kold.com/Global/story.asp?S=8269951&nav... http://www.oxforddnb.com/view/article/69100?docPos...